Sinh trưởng trong một gia đình văn hoá – nghệ thuật, là con gái của nhà thơ Cù Huy Cận, PGS.TS Cù Lệ Duyên không chỉ được biết đến là nhà lý luận âm nhạc mà còn là một nhạc sĩ.

Sinh năm 1965 tại Hà Nội, bà bắt đầu học piano từ nhỏ theo hệ chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sau đó tiếp tục học Đại học chuyên ngành Lý luận tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học năm 1998 tại đây.

Trở về nước, nhà lý luận âm nhạc Cù Lệ Duyên tham gia giảng dạy và hiện đang giữ cương vị là Trưởng khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cùng với vai trò là nhà lý luận âm nhạc, PGS.TS Cù Lệ Duyên còn tham gia sáng tác các ca khúc được tuyển tập trong ba album: “Hương Sơn Ca” vol 2 (2011) và vol 3 (2012), và vol 4 (2014).

Tham dự buổi Tiệc trà giới thiệu Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun tại Khách sạn Sheraton Hà Nội chiều ngày 9/6 vừa qua, PGS.TS Cù Lệ Duyên đã chia sẻ những cảm nhận của mình về âm nhạc mà các nghệ sĩ Shen Yun mang đến cho công chúng.

Chia sẻ về thưởng thức âm nhạc nói chung và thưởng thức nhạc giao hưởng nói riêng, PGS.TS Cù Lệ Duyên cho rằng âm nhạc có lẽ không phải để hiểu: “Người ta cho rằng nhạc giao hưởng là loại nhạc hàn lâm rất khó hiểu, cho nên khi nghe, có thể người nghe cố gắng vận dụng kiến thức hiểu biết của mình để hiểu được những ý tưởng nào đó nhưng có lẽ không phải như thế. Theo chúng tôi, khi dòng chảy âm nhạc vang lên, người nghe cứ cố gắng để hiểu nó thì có lẽ sự thưởng thức âm thanh trong tâm hồn đã bị gián đoạn. Âm nhạc thực ra không phải để hiểu mà là để chúng ta cảm nhận và chỉ để cảm nhận những điều tuôn chảy trong tâm hồn với tất cả những sự hài hoà của thiên nhiên, vũ trụ và con người”.

PGS.TS Cù Lệ Duyên

Theo PGS.TS Cù Lệ Duyên, mặc dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây nhưng khán giả Việt đã không còn xa lạ với thể loại nhạc giao hưởng – đỉnh cao của âm nhạc hàn lâm, có sức mạnh truyền tải mọi cảm xúc từ nét vui tươi, hồn nhiên cho đến bi thương, đau buồn… Nhiều nghệ sĩ đã cố gắng mang âm nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng qua những chương trình biểu diễn tại các nhà hát hay trên đường phố khiến nhạc giao hưởng ngày càng được công chúng Việt Nam yêu thích.

PGS.TS Cù Lệ Duyên và Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng giao lưu với các khách mời tham dự chương trình

Trình diễn tại rất nhiều rạp hát danh tiếng trên thế giới như: Carnegie Hall, Roy Thompson Hall, Tokyo Opera City Concert Hall, Daegu Concert House…, Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun đang trở thành một hiện tượng của nền âm nhạc toàn cầu. Các buổi trình diễn của Dàn nhạc không chỉ mang đến cho công chúng những tác phẩm kinh điển của giao hưởng thế giới mà còn biểu diễn những sáng tác riêng được viết bởi chính các nhạc sĩ của dàn nhạc.

Từng được nghe những tác phẩm của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun, sự kết hợp độc đáo tinh hoa của hai nền âm nhạc Đông và Tây phương của dàn nhạc nổi tiếng thế giới này khiến PGS.TS Cù Lệ Duyên ấn tượng sâu sắc.

Có lẽ đây là dàn nhạc duy nhất trên thế giới có một biên chế dàn nhạc cố định gồm các nhạc cụ phương Đông và phương Tây.” – PGS.TS Cù Lệ Duyên

Tham dự chương trình, PGS.TS Cù Lệ Duyên cùng các vị khách mời đã có nhiều cung bậc cảm xúc khi được xem một số video giới thiệu Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun và video một số bản giao hưởng được trình diễn bởi dàn nhạc. Trong đó, những giai điệu của bản hoà tấu “Mongolian Bowl” (Chiếc bát Mông Cổ) được dẫn dắt bởi thanh âm rung ngân của chiếc đàn nhị hồ phương Đông đưa khán giả đến với không gian khoáng đạt của vùng thảo nguyên bát ngát, nơi có những đồng cỏ xanh trải dài ngút tầm mắt và những sải cánh đại bàng vút bay trên bầu trời.

Trong “Mongolian Bowl”, chiếc đàn nhị hồ của phương Đông dẫn dắt dàn Cello và cả dàn nhạc phương Tây khiến khán giả như được phiêu lưu đầy cảm hứng cùng cuộc sống du mục của những người dân Mông Cổ với tiếng vó ngựa vang ca và niềm hân hoan chào đón những vị khách từ phương xa đến ngôi nhà thảo nguyên của họ. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nhạc cụ Đông và Tây phương, “Mongolian Bowl” đã kết nối một vùng đất kỳ thú của châu Á với văn hoá châu Âu, khiến khán giả được trải nghiệm âm nhạc một cách sâu sắc.

Theo PGS.TS Cù Lệ Duyên: “Những âm hưởng của Đông và Tây phương được kết hợp đến mức hoà quyện khiến người nghe không còn thấy sự phân biệt đâu là Đông phương, đâu là Tây phương”.

Những thanh âm của các nhạc cụ phương Đông truyền thống như đàn tỳ bà, đàn nhị hồ, sáo trúc được kết hợp độc đáo trên nền tảng hùng tráng của dàn nhạc Tây phương.

Khi kết hợp hai hệ thống âm nhạc này, sự tương phản trước tiên là ở các nhạc cụ, nhưng điểm khác biệt cơ bản nhất lại là nội hàm của chúng. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ của dàn nhạc Shen Yun phải hướng tới các tiêu chuẩn ở mức cao cả về phương diện kỹ thuật và tâm hồn, không chỉ có kỹ thuật hoà âm phối khí đặc biệt mà còn cần cả sự thăng hoa về đức hạnh để có thể thể hiện được hình thái chuẩn của âm nhạc.

Theo PGS.TS Cù Lệ Duyên, những kiến thức mà người nghệ sĩ rèn luyện có được rất quan trọng nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Để viết nên được những tác phẩm ở tầm thiên tài, người nghệ sĩ không phải chỉ dùng kỹ thuật, kiến thức đơn thuần hay một tầm hồn hướng thiện mà phải là một tâm hồn đạt đến mức siêu thoát về lòng từ bi thì mới có duyên để ghi lại được những tinh hoa của vũ trụ.

“Âm nhạc Shen Yun không chỉ dừng ở mức âm nhạc thông thường mà đạt đến tầm trác tuyệt – sự hài hoà giữa thiên nhiên, con người và vạn sự vạn vật của vũ trụ.” – PGS.TS Cù Lệ Duyên

Âm nhạc là hiện thân của các giá trị văn hoá. Mỗi loại nhạc cụ và âm sắc của nó không chỉ chứa đựng chiều dài lịch sử và văn hoá của một dân tộc mà là tinh hoa của cả nhân loại. Shen Yun lựa chọn loại hình nghệ thuật mà tất cả các dân tộc đều đón nhận, vượt qua biên giới giữa các quốc gia, dân tộc, lãnh thổ.

PGS.TS Cù Lệ Duyên cho rằng mặc dù trong thời đại điện tử ngày nay, công chúng yêu nhạc có thể được nghe những tác phẩm của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun qua các thiết bị điện tử nhưng nếu như được thưởng thức trực tiếp các buổi trình diễn của các nghệ sĩ tài hoa này, đó sẽ là những thanh âm sống động tác động sâu sắc đến tâm hồn của mỗi người và khiến người nghe được thăng hoa bởi sự hoà hợp giữa con người với tinh hoa của thiên nhiên và vũ trụ.

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, sứ mệnh của nghệ thuật âm nhạc là gìn giữ những âm thanh và giai điệu thần thánh, ẩn sau đó là trí huệ thâm sâu sưởi ấm trái tim con người. Lấy âm nhạc để truyền tải và hồi sinh những giá trị văn hoá truyền thống của cả Đông và Tây phương trên sân khấu, Shen Yun mang đến cho công chúng những âm hưởng của nền văn minh hàng ngàn năm của nhân loại với vẻ đẹp tráng lệ, hồng đại, thuần thiện thuần mỹ và đầy ắp từ bi. Theo PGS.TS Cù Lệ Duyên, đó là sự kết hợp kỳ diệu nhất.

Bởi vậy, PGS.TS Cù Lệ Duyên hy vọng công chúng yêu nhạc Việt Nam nói chung và các đồng nghiệp trong ngành âm nhạc, người thân, bạn bè của mình sẽ sớm có dịp được thưởng thức trực tiếp những âm hưởng trác tuyệt của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun ngay tại Việt Nam.

Công ty Văn hóa Truyền thống Việt Mỹ

(Vui lòng chỉ đăng lại thông tin này khi có sự đồng ý của Công ty Văn hóa Truyền thống Việt Mỹ)