Âm nhạc, hội họa, thi ca hay phong tục tập quán, tín ngưỡng v.v.. mỗi vùng miền luôn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, những đặc trưng ấy tạo nên sự phong phú đa dạng của các nền văn hoá. Mỗi tầng lớp, mỗi gia đình đều dần hình thành những đặc điểm văn hoá riêng tạo nên những giá trị về chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Những áng thơ bất hủ, những câu hát, điệu nhạc hay những điệu múa đều hướng con người về vẻ đẹp tinh thần, thuần khiết, thánh thiện giữ cho tâm hồn con người luôn trong sáng. Con người dù đi xa tới đâu cũng luôn nhớ về quê hương mình, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng luôn giữ được niềm hy vọng, những âm giai chứa đựng giá trị văn hoá truyền thống chính là sợi dây kết nối con người với nguồn cội của mình.

Âm nhạc truyền thống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, là linh hồn của quốc gia, là món ăn tinh thần, là “linh dược”. Âm nhạc đi theo vòng đời từ câu hát ru của mẹ, hát giao duyên tuổi hẹn hò, những câu hát mang tính triết lý về tạo hoá, qui luật tự nhiên, ý nghĩa đời người và đến khi con người rời xa trần thế cũng được âm nhạc tiễn đưa. Ẩn sau những âm thanh kỳ diệu đó là những thông điệp giúp con người luôn nhớ về “sứ mệnh” của mình nhắc nhở con người luôn nhớ, “tới nơi đây để làm gì” “ra đi mang theo được gì” “điều gì là trân quí nhất”… chẳng phải tất cả đều nằm ở trong tinh thần hay sao.

Biến động của lịch sử, những thay đổi về khoa học, công nghệ thông tin, mạng internet phát triển toàn cầu và nhu cầu về vật chất trở nên lấn át tinh thần. Cùng vào thời điểm biến động kinh tế, chính trị các thể loại âm nhạc đương đại ra đời, âm thanh điện tử, nhạc điện tử, hiphop, jazz cùng các trường phái âm nhạc “vô điệu tính” làm thay đổi chuẩn mực thẩm mỹ của nhân loại. Ảnh hưởng từ các trường phái ấn tượng trong hội hoạ, thơ ca những đảo lộn nhận thức về luân lý đạo đức, cái gốc căn bản làm người, đã lan truyền khắp nơi. Văn hoá truyền thống rơi vào một khoảng trống gần kề bên bờ quên lãng. Nếu không còn văn hoá truyền thống, nhân loại sẽ ra sao!

Cả thế giới bị cuốn vào trò chơi “vật chất”, nhà nhà làm kinh tế, người người làm kinh tế các em nhỏ không còn thấy hứng thú với những câu chuyện cổ, không còn được tự do hoà mình với thiên nhiên, đâu đâu cũng kinh doanh, mọi thứ trở nên thực dụng, con người xa dần với văn hoá truyền thống, họ yêu thích những gì mới, lạ. Những điều này sẽ dẫn dắt con cháu chúng ta tới đâu? Dân tộc Việt Nam với 4 ngàn năm văn hoá chỉ trong một thời đại ngắn ngủi mà quay lưng lại với những gì được tổ tiên truyền lại qua bao ngàn đời. Việc giáo dục thế hệ trẻ trở nên khó khăn, chuẩn mực đạo đức của một nền văn hoá trở nên xa vời, chúng ta đang trượt trên dốc lớn!

Nếu chúng ta không thật sự nghiêm túc nhìn nhận lại, đưa ra định hướng nhanh chóng bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống thì các thế hệ tương lai sẽ thế nào. Hội hoạ, thi ca, âm nhạc được kết hợp nhuần nhuyễn xuyên suốt bằng những câu chuyện cổ sẽ giúp các thế hệ tương lai luôn nhớ về nguồn gốc nguyên lai của mình. Tổ chức những chương trình nghệ thuật truyền thống chính là một phần trong việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc…

Văn hoá truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác giúp con người luôn giữ được sự kết nối với tổ tiên, cội nguồn nơi mình sinh ra, từng lớp từng lớp các thế hệ tiếp nối, giữ cho chuẩn mực đạo đức con người không bị trượt mất dù gặp những biến động lịch sử lớn thế nào. Trải qua hàng ngàn năm con người đã lưu truyền những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình như thế. Và hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình ấy…